Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

BÀN VỀ CHỦ NGHĨA XÉT LẠI VÀ CHỦ NGHĨA CƠ HỘI - PHẦN 1



Chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa cơ hội không phải là mới lạ, tuy nhiên ở Việt Nam nhiều người vẫn có một số sự nhầm lẫn về chủ nghĩa cơ hội - xét lại. Thậm chí một số người còn cho rằng chủ nghĩa xét lại là phong trào Đệ tứ Quốc tế của Trotsky. Nhiều người vẫn hay nói đến chủ nghĩa xét lại - cơ hội và tính nguy hiểm của nó với phong trào cách mạng, tuy nhiên để hiểu thực sự vai trò của chủ nghĩa xét – cơ hội lại trong lý luận và thực tiễn cách mạng thì cần phải có những nghiên cứu hoàn chỉnh về mặt lý luận và thực tiễn lịch sử. Tuy nhiên ở bài viết này của thì do những điều kiện có hạn vậy nên tôi không thể đưa ra một nghiên cứu đầy đủ nhất về chủ nghĩa cơ hội - xét lại) nhưng có thể bàn về bản chất và một số biểu hiện của chủ nghĩa xét lại. Trong đó nhấn mạnh đến ảnh hưởng tiêu cực nhất của nó trong hoạt động thực tiễn cách mạng vô sản. Bài nghiên cứu nhỏ này sẽ đi gồm 4 phần chính:
-         Nguồn gốc và bản chất của chủ nghĩa xét lại.
-         Những học giả tiêu biểu của chủ nghĩa xét lại.
-         Ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại đến hoạt động của quốc tế cộng sản I, II và sự sụp đổ của Liên Xô.
-         Ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại đến cách mạng Việt Nam.
Chủ nghĩa xét lại cho đến nay với những đại biểu nổi tiếng của nó bao gồm: Eduard Bernstein (1850-1932) và Karl Johann Kautsky (1854-1938) là những người đi tiên phong của chủ nghĩa xét lại. Tại sao lại gọi là chủ nghĩa xét lại vì các học giả như Berstein và Kautsky đã công khai việc phê phán và xét lại học thuyết Marx đặc biệt là lý luận về đấu tranh giai cấp cũng như bạo lực cách mạng để tiến lên CNCS từ CNTB. Tuy nhiên theo Lenin thì chủ nghĩa xét lại cũng đi cùng với chủ nghĩa cơ hội bởi vậy trong bài viết này tôi thường dùng chung cụm từ chủ nghĩa cơ hội - xét lại để chỉ chung cho nhóm này.
1. Khái quát hóa và nguồn gốc của chủ nghĩa cơ hội - xét lại.
1.1. Nguyên nhân, đặc điểm và bản chất của chủ nghĩa cơ hội - xét lại.
Trước tiên tôi xin trích từ bài nghiên cứu: Từ quan điểm của V. I. Lê-nin về chủ nghĩa cơ hội đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội ở nước ta hiện nay - Lê Thị Thanh Hà PGS, TS, Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Bài nghiên cứu này đã tổng hợp khá đầy đủ những nhận định về chủ nghĩa cơ hội - xét lại của V.I. Lenin cụ thể.
Theo V.I. Lenin thì chủ nghĩa cơ hội xuất phát từ 3 nguyên nhân sau – Bài nghiên cứu này đã tổng h):
-         Một là, bắt nguồn từ ảnh hưởng của khuynh hướng tư tưởng tiểu tư sản trong phong trào quần chúng công nhân. Do giai cấp công nhân sống “sát nách” với giai cấp tiểu tư sản, trong khi giai cấp này lại có sự phân hóa nên một bộ phận trong số đó nhập vào giai cấp công nhân. Họ mang theo vào phong trào công nhân mọi thứ quan niệm, như “mê tín, thiển cận, hẹp hòi, lệch lạc có tính chất tiểu tư sản”[1]. Bên cạnh đó, nước Nga thời bấy giờ “là nước tiểu tư sản nhất trong tất cả các nước tư bản chủ nghĩa. Vì thế cho nên khi chủ nghĩa Marx vừa mới trở thành một trào lưu xã hội có tính chất quần chúng ở Nga, thì trong trào lưu đó xuất hiện ngay một thứ chủ nghĩa cơ hội tiểu tư sản của những phần tử trí thức, ban đầu dưới hình thức “chủ nghĩa kinh tế” và “chủ nghĩa Marx hợp pháp” (1895 - 1902), sau đó dưới hình thức chủ nghĩa men-sê-vích (1903 - 1908)”[2]. V.I. Lê-nin khẳng định, đây là điều tất yếu khách quan: “Phong trào quần chúng của công nhân có sinh ra một cánh tiểu tư sản và cơ hội chủ nghĩa trong phong trào đó thì đấy không phải là điều ngẫu nhiên, mà là một hiện tượng tất nhiên”[3].
-         Hai là, sự phân hóa trong nội bộ giai cấp công nhân, tình trạng “tư sản hóa giai cấp công nhân” và sự xuất hiện “tầng lớp công nhân quý tộc”. Có sự phân hóa đó là do giai cấp tư sản mua chuộc được tầng lớp trên của giai cấp công nhân bằng hình thức siêu lợi nhuận. Một bộ phận công nhân có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có uy tín trong tập thể công nhân được giai cấp tư sản sử dụng, giúp giai cấp tư sản trong tổ chức, quản lý sản xuất, giám sát kỹ thuật. Sau đó, họ bị giai cấp tư sản mua chuộc, chi phối bằng lợi ích vật chất. Từ đó, họ biến chất, trở thành tay sai cho giai cấp tư sản. Tầng lớp công nhân quý tộc này đã tác động đến phong trào công nhân, làm cho chủ nghĩa cơ hội phát triển trong phong trào công nhân.
-         Ba là, một bộ phận giai cấp công nhân hiểu chủ nghĩa Marx một cách không có hệ thống, chưa thấm nhuần thế giới quan Marx-xít, chưa đoạn tuyệt với thế giới quan tư sản nói chung và thế giới quan dân chủ - tư sản nói riêng. Và do vậy, họ luôn “nhảy từ một cực đoan bất lực này sang một cực đoan bất lực khác. Khi thì họ giải thích rằng mọi việc đều do những kẻ có ác ý “xúc xiểm” giai cấp này chống lại giai cấp kia, khi thì họ tự an ủi bằng cách nói rằng đảng công nhân là một “đảng cải lương có tính chất hòa bình”[4]. Điều đó cho thấy, những người theo chủ nghĩa cơ hội thường có biểu hiện lập trường tư tưởng không rõ ràng, còn bấp bênh, chưa hiểu bản chất của chủ nghĩa Marx - Lê-nin; thái độ của họ lúc thế này, lúc thế khác và nguy hiểm hơn là họ sẵn sàng thay đổi giọng điệu, thái độ, lập trường để đạt được mục đích và vì lợi ích của mình. Vì lợi ích của phe nhóm, dòng tộc và cá nhân, những kẻ cơ hội chủ nghĩa sẵn sàng thỏa hiệp vô nguyên tắc với các tầng lớp, giai cấp phi vô sản, từ bỏ con đường đấu tranh cách mạng, phản bội lại mục tiêu, lý tưởng cộng sản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Về bản chất: V.I. Lê-nin chỉ rõ: “Ai không cố ý nhắm mắt lại thì không thể không thấy rằng khuynh hướng “phê bình” mới trong chủ nghĩa xã hội chẳng qua chỉ là một hình loại mới của chủ nghĩa cơ hội mà thôi. Và nếu xét người, không căn cứ vào bộ áo hào nhoáng họ tự khoác cho họ hoặc vào cái tên khá kêu họ tự đặt cho họ, mà căn cứ vào cách họ hành động, vào những tư tưởng mà họ thực tế truyền bá, thì thấy rõ rằng “tự do phê bình” là tự do của khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa trong đảng dân chủ - xã hội”[5]. Khẩu hiệu “tự do phê bình” mà phái kinh tế giương lên là hình thức mới của chủ nghĩa cơ hội quốc tế; khuynh hướng này hình thành vào nửa cuối thế kỷ XIX và phát triển mạnh vào đầu thế kỷ XX trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đó là sự phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Vấn đề nguy hiểm của chủ nghĩa cơ hội là khoác áo chủ nghĩa Marx, không công khai phủ nhận chủ nghĩa Marx nhưng xuyên tạc chủ nghĩa Marx, vứt bỏ “linh hồn” cũng như những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Marx, nhằm phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản. Theo V.I. Lê-nin, thực chất tư tưởng của “tự do phê bình” hoàn toàn chỉ là sự cóp nhặt sách báo tư sản rồi làm thành “học thuyết” của mình; cái gọi là “tự do phê bình” chẳng qua chỉ “là tự do biến đảng dân chủ - xã hội thành một đảng dân chủ cải lương, là tự do đưa những tư tưởng tư sản và những thành phần tư sản vào trong chủ nghĩa xã hội”[6]. Điều đó cho thấy, bản chất của chủ nghĩa cơ hội là mơ hồ về tư tưởng chính trị, không nhất quán về lập trường tư tưởng, làm lu mờ tính giai cấp, tính đảng và tính nguyên tắc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trong cách mạng xã hội chủ nghĩa và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do bản chất của mình, phái cơ hội chủ nghĩa bao giờ cũng tránh đặt vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát; bao giờ cũng tìm con đường trung dung, quanh co, uốn khúc như “con rắn nước” giữa hai quan điểm đối chọi nhau, tìm cách “thỏa thuận” với cả quan điểm này và quan điểm kia... Nói cách khác, những người theo chủ nghĩa cơ hội thường có lập trường tư tưởng không vững vàng, thiếu kiên định, bản lĩnh chính trị yếu kém, tư tưởng “chiết trung”, né tránh trước những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra của đất nước.
Về đặc điểm, V.I. Lê-nin cho rằng, chủ nghĩa cơ hội quốc tế được biểu hiện dưới nhiều màu sắc, nhiều dạng, nhiều loại khác nhau, tùy theo đặc điểm của từng quốc gia dân tộc, nhưng chúng giống hệt nhau về nội dung, bản chất chính trị - xã hội, đó là: tính không kiên quyết, tính vô nguyên tắc, tính không rõ ràng, lờ mờ, quanh co. Sở dĩ có hiện tượng những người Marx-xít, những người hoạt động trong đảng công nhân rơi vào chủ nghĩa cơ hội là do họ có sự do dự, thiếu kiên định, dao động và lừng chừng về chính trị. Chính vì vậy, họ “dễ dàng thừa nhận mọi công thức và rời bỏ mọi công thức cũng dễ dàng như thế”[7].
Nghiên cứu quan điểm của V.I. Lê-nin về chủ nghĩa cơ hội cho chúng ta thấy, đây là trào lưu tư tưởng đối lập với chủ nghĩa Marx - Lê-nin, là tàn dư của tư tưởng tư sản, tiểu tư sản trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Nó sẵn sàng hy sinh lợi ích cơ bản, lâu dài của giai cấp công nhân, của phong trào công nhân vì lợi ích trước mắt của một bộ phận. Thực chất, đó là sự đầu hàng trước những trào lưu tư tưởng tư sản và là sự phản bội chủ nghĩa Marx - Lê-nin. Chủ nghĩa cơ hội tồn tại dưới nhiều hình thức, như về lý luận, đó là sự chiết trung, ngụy biện, sẵn sàng thay đổi quan điểm, tư tưởng cơ bản để trục lợi; về kinh tế, đó là sự thực dụng, sẵn sàng đánh đổi cả phong trào vì lợi ích kinh tế trước mắt của một nhóm người; về hành động, đó là sự phiêu lưu, lúc tả khuynh, lúc hữu khuynh, lúc thì nóng vội, lúc thì chủ quan, sẵn sàng từ bỏ mục tiêu cách mạng, thủ đoạn thì tinh vi, lắt léo, dễ dàng thỏa hiệp với mọi loại trào lưu khi có lợi. Do vậy, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục.
1.2. Nguồn gốc của chủ nghĩa cơ hội - xét lại.
Khi bàn về nguồn gốc của chủ nghĩa cơ hội – xét lại, nhiều người cho rằng chính Berstein và Kautsky là người sáng lập ra chủ nghĩa cơ hội - xét lại. Tuy nhiên đây cũng là một hiểu lầm đáng tiếc, thực chất người tạo ra chủ nghĩa cơ hội – xét lại, nguyên nhân là tiền đề lý luận cho chủ nghĩa cơ hội – xét lại lại chính là Ferdinand Lassalle (1825 – 1864). Một trong những người lãnh đạo phong trào công nhân Đức thuở ban đầu. Tại sao tôi lại khẳng định người tạo ra chủ nghĩa cơ hội – xét lại là Ferdinand Lassalle, điều này được căn cứ vào tiền đề lý luận của chủ nghĩa cơ hội – xét lại, những lý luận này đã được hình thành ngay từ khi Lassalle mời Marx trở lại nước Đức để thành lập một chính Đảng cho công nhân Đức. Trong đó Lassalle đưa ra những lý luận và đường lối cách mạng cực kỳ phản động và Marx đã từ chối lời đề nghị này của Lassalle cụ thể:
Thứ nhất: Do tiếp xúc hàng ngày với Lassalle, Marx nhận thấy rõ Lassalle đã chìm sâu vào vũng lầy của triết học duy tâm như thế nào, việc cộng tác với Lassalle sẽ rất nguy hiểm vì tính tình kiêu ngạo, trái tính trái nết của ông ta. Điều này được thể hiện qua thư của Marx viết cho Engels ngày 18/2/1860:
Tiện thể, chúng ta hãy trở lại à nos moutons1*, nghĩa là trở lại nói về Lassalle. Vì khi nhận được lá thư đầu của ông ta, tôi đã không biết được liệu anh đã biên thư cho ông ta hay chưa - theo sự thoả thuận ban đầu giữa chúng ta (khi đó tình hình còn khác) - cho nên tôi đã viết đôi dòng nói với ông ta: tôi nghĩ rằng ông ta im lặng trong suốt mấy tháng trời là vì bực tức về lá thư gần đây nhất, hơi cục cằn (thực ra thì rất cục cằn) của tôi. Rằng tôi thấy vui mừng khi biết không phải như vậy. Rằng ngay trước đó, tôi đã biên thư nói với anh về những băn khoăn của tôi về chuyện đó2*. Tốt lắm! Song, thằng cha súc sinh ấy đã làm ầm lên nhân chuyện đó! Hắn đã khoe mẽ như thế nào về đạo đức của mình trước Líp-nếch60! Chính là cái thằng cha mà chỉ vì bà bá tước Hát-txơ-phen, hắn đã sử dụng những thủ đoạn vô sỉ nhất và đã có quan hệ với những loại người vô liêm sỉ nhất! Chẳng lẽ tên súc sinh ấy đã quên rằng khi tôi muốn kết nạp hắn vào Đồng minh thì hắn đã bị cự tuyệt - vì tiếng tăm xấu của mình - bởi một quyết định nhất trí của Ban chấp hành trung ương ở Khuên, rồi hay sao? Tuy nhiên, tôi cho rằng vì tế nhị tôi đã giấu không cho hắn biết về tất cả chuyện đó, cũng như tôi đã giấu kín chuyện một phái đoàn công nhân đã được cử từ Đuýt-xen-đoóc-phơ đến gặp tôi mấy năm về trước, và phái đoàn này đã đưa những lời buộc tội hết sức tai tiếng và phần nào không thể bác bỏ được nhằm vào hắn61! Còn bây giờ anh hãy ngắm nhìn cái con khỉ đầy kiêu ngạo ấy! Chỉ cần hắn vừa cảm thấy - qua cặp kính được phết nước sơn Bô-na-pác-tơ - rằng hắn đã phát hiện ra chỗ yếu của chúng ta là hắn liền tỏ vẻ quan trọng, huênh hoang và đi đứng với những dáng điệu hài hước đủ loại. Mặt khác, vì lo sợ rằng tôi không đơn giản để cho Phô-gtơ làm mất thanh danh mình vì lợi ích của người bạn dịu dàng của tôi là Lassalle, nên ở con người hắn đã lập tức biến đi mất tất cả cái bản năng pháp lý của hắn! Hắn tỏ ra hết sức mâu thuẫn với bản thân mình! Hắn đã trở nên hèn mạt biết bao! Theo ý kiến hắn, thà không “bới móc” các vấn đề ra nữa thì tốt hơn. Điều đó sẽ “được chấp nhận một cách không hay”. Được chấp nhận một cách không hay! Bởi ai vậy? Để làm vừa lòng những phần tử phi-li-xtanh của hắn thường vẫn lý sự bên cốc bia mà tôi phải cho phép anh giáo Xcu-iếc-xơ1*, nói khác đi là Xa-ben, nhảy múa trên đầu tôi! Bây giờ ngài Lassalle trở nên hoàn toàn rõ ràng đối với tôi.
Tôi đã biên thư ngay cho Blin-đơ, tức là, nói đúng hơn, tôi đã bỏ vào phong bì bản thông tri có liên quan hết sức gần gũi đến ông ta. Dĩ nhiên, ông ta im lặng. Thay vì làm như vậy, kẻ súc sinh ấy lại chạy khắp thành phố và nghĩ cách thoát thân bằng những chuyện thêu dệt (anh hãy xem ở dưới đây để thấy điều đó sẽ giúp ích như thế nào cho ông ta). Trong những tuần lễ gần đây, con người này đã có sự hoạt động điên cuồng, cho in hết tập sách này đến tập sách khác tâng bốc mình đến tận mây xanh trên báo “Hermann”, tìm đủ mọi cách bợ đỡ trước vài ba tên tư sản mà hắn đã làm quen được trong cái uỷ ban của Si-lơ, cố lách vào cái chức thư ký của cái hiệp hội mới được nghĩ ra của Si-lơ, lúc thì vu khống “những người bạn cùng tổ quốc”, lúc thì lại làm ra vẻ lên mặt quan trọng với họ, đưa ra những lời bóng gió với dáng vẻ một chính khách v.v.. Thế nhưng, dù thế nào anh cũng sẽ thấy rằng tất cả những cái đó chỉ là sự chới với của kẻ sắp chết đuối bám vào cái cọng rơm mà thôi.”[8]. Từ bức thư trên có thể thấy rằng Marx thấy ghê tởm lối sống của Lassalle: một lối sống xa phí, chủ yếu dựa vào tiền của nữ bá tước Ha-xơ-phen. Ngoài ra, Lassalle còn thích lăng xăng trong giới tư sản và quý tộc hâm mộ mình.
Thứ hai: Về đường lối cách mạng, Lassalle thể hiện là một con người duy tâm chủ nghĩa, ông ta không nhìn thấy vai trò đấu cách mạng của giai cấp công nhân. Điều này được thể hiện như sau:
Liên hiệp công nhân toàn nước Đức đã được thành lập vào tháng Năm 1863, Lassalle được bầu làm chủ tịch của Hội Liên hiệp. Lần đầu tiên trong suốt cả thời kỳ phản động đen tối kéo dài hơn 10 năm, ở Đức đã lại có một tổ chức công nhân độc lập, không phụ thuộc vào giai cấp tư sản. Không phải chỉ có công nhân là giác ngộ, mà cả trí thức tiến bộ cũng đã có hy vọng mới và đứng về phía phong trào công nhân hoặc tích cực tham gia phong trào. Lassalle cũng như một số ít người biết các tác phẩm của Marx và Engels, luôn luôn tự xưng mình là học trò và là người cùng phe với Marx và Engels. Nhưng ông ta đã không hiểu hết tính chất phong phú của học thuyết Marx, và trước hết là cơ sở của nó, chủ nghĩa duy vật triết học. Những quan điểm của ông ta về lịch sử và Nhà nước là quan điểm duy tâm. Ông ta không thừa nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là thành lập một chế độ xã hội mới, xã hội chủ nghĩa, bằng con đường giành chính quyền. Ông ta thấy nhiệm vụ của giai cấp công nhân không phải là phá hủy Nhà nước bóc lột, mà là cải tạo nó bằng con đường cải cách. Ông ta muốn cải tổ Nhà nước Phổ bằng cách tiến hành quyền đầu phiếu phổ thông và bí mật, và của các đại biểu công nhân vào nghị viện, nghĩa là bằng con đường nghị viện thuần túy, và cả bằng cách lập quỹ tín dụng của Chính phủ đại địa chủ quý tộc Phổ cho công nhân vay để lập các hiệp hội sản xuất. Và dầu cho vai trò lịch sử của Lassalle có tích cực thế nào đi nữa, khi ông ta lại thành lập một tổ chức công nhân ở Đức độc lập với giai cấp tư sản dưới dạng Hội Liên hiệp công nhân toàn nước Đức, thì những ảo tưởng của ông ta: giai cấp công nhân có thể từ bỏ cuộc đấu tranh giai cấp cách mạng và “đi sâu vào chủ nghĩa xã hội một cách hòa bình nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước bóc lột hiện hành,” đã gây tác hại rất nhiều.
Cả một hệ thống những quan điểm sai lầm sau này của Lassalle đã xuất phát từ cương lĩnh tiểu tư sản và phi vô sản này. Những quan điểm sai lầm này sau đó đi vào lịch sử với cái tên là chủ nghĩa Lassalle. Lassalle phủ nhận cuộc đấu tranh kinh tế của giai cấp công nhân và đồng thời phủ nhận cả phong trào công đoàn. Ông ta coi khinh những đồng minh của giai cấp vô sản là giai cấp nông dân và tiểu tư sản; ông ta không thừa nhận rằng cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp công nhân phải có tính chất quốc tế. Tác hại lớn nhất đối với phong trào công nhân Đức mà Lassalle gây nên là trong vấn đề thống nhất quốc gia Đức, Lassalle đã hướng về nước Phổ, hội đàm bí mật với thủ tướng mới của Phổ là Bít-xMarx, và đáng lẽ thống nhất quốc gia bằng con đường cách mạng dân chủ thì Lassalle lại định hướng Hội Liên hiệp công nhân toàn nước Đức đi theo con đường phục vụ quyền lợi nước Phổ. Bằng những hành động của mình, Lassalle cản trở phong trào công nhân đã hình thành vào những năm 60, trở thành lực lượng quyết định trong cuộc đấu tranh cho nền thống nhất dân chủ của nước Đức. Những quan điểm của ông ta – chủ nghĩa Lassalle – mà ông ta đưa vào Hội Liên hiệp công nhân toàn nước Đức, từ nay trở đi đã là trở ngại lớn nhất cho việc phổ biến chủ nghĩa cộng sản khoa học trong phong trào công nhân Đức.
Thật ra, như Marx đã nhận định, Lassalle sẵn sàng lợi dụng uy tín của tác giả “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, nhưng khi thành lập Hội Liên hiệp công nhân toàn nước Đức thì ông ta lại coi thường những tư tưởng và kinh nghiệm của “Tuyên ngôn” và của Đồng minh những người cộng sản, do đó ông ta đã ngăn trở Hội Liên hiệp công nhân toàn nước Đức phát triển thành một Đảng vô sản cách mạng giống như Đồng minh những người cộng sản.
Chính là dựa vào những nét phi dân tộc bắt nguồn từ chủ nghĩa quốc gia, những nét phi cách mạng bắt nguồn từ chủ nghĩa cải lương trong học thuyết Lassalle, mà các nhà sử học tư sản và xã hội hữu khuynh từ đầu thế kỷ XIX đã miêu tả Lassalle như người sáng lập phong trào công nhân có tổ chức về chính trị, và phủ nhận sự việc là lịch sử của Đảng công nhân cách mạng Đức bắt đầu từ Đồng minh những người cộng sản. Năm 1893, Phơ-ri-đơ-rích Lét-xne đã xác định rất đúng đắn tính cách các cố gắng ấy như sau: “Ai đã từng làm việc từ thời kỳ đầu tiên với Marx và Engels đều thấy nực cười khi nghe nói là việc thành lập Hội Liên hiệp công nhân toàn nước Đức đã mở đầu cho phong trào công nhân hiện tại. Hội Liên hiệp này thành lập vào đầu những năm 60, vào lúc mà Marx và Engels và những người khác đã ra sức tuyên truyền và kiên trì đấu tranh trong suốt hai mươi năm rồi”.
Một mặt, vào mùa xuân năm 1863, Marx hoan nghênh việc công nhân tách khỏi giai cấp tư sản về chính trị và tổ chức, nhưng mặt khác, ông phẫn nộ về việc Lassalle cố tình đưa Hội Liên hiệp cấu kết với kẻ tử thù của giai cấp công nhân Đức là Nhà nước quân phiệt Phổ. Engels viết cho Marx và tháng Năm 1863: “Nhưng câu chuyện và sự việc rắc rối do Lassalle gây nên ở Đức đã bắt đầu trở nên đáng ghét. Đã đến lúc anh phải hoàn thành cuốn sách của mình…”. Cả hai đều đồng ý với nhau là bây giờ đã đến lúc phải viết những tác phẩm chính trị và khoa học mới để tăng cường ảnh hưởng đối với công nhân.[9]
Thứ ba: Sự phản động của Lassalle còn thể hiện ở chỗ sau này chính những môn đồ của ông ta đã soạn ra Cương Lĩnh Ghotha (hay Cương lĩnh của Đảng công nhân Đức) trong đó đưa ra những tiền đề lý luận chống lại quá trình cách mạng của giai cấp vô sản như sau:
- “Xuất phát từ những nguyên lý đó, Đảng công nhân Đức dùng mọi thủ đoạn hợp pháp để đấu tranh thành lập một nhà nước tự do - và - xã hội xã hội chủ nghĩa; xoá bỏ sự bóc lột dưới tất cả mọi hình thức của nó; thủ tiêu mọi sự bất bình đẳng về xã hội và chính trị”.[10] Đây chính là tiền đề lý luận cho chủ nghĩa cơ hội – xét lại khi thực hiện đấu tranh bằng phương pháp hòa bình tức là nhà nước TBCN tự thay đổi đi lên CNXH nếu giai cấp công nhân chỉ đấu tranh bằng phương pháp hòa bình và hợp pháp (bằng con đường bầu cử nghị viện). Dựa trên lý luận này Berstein và Kautsky đã phê phán và đòi xét lại lý luận của Marx về bạo lực cách mạng cũng như phê phán Cách mạng tháng Mười Nga. Trên cơ sở này đại diện nhóm xét lại trong Đảng Cộng sản Liên Xô mà đại diện là Nikita Sergeyevich Khrushchyov đã xây dựng học thuyết chung sống hòa bình với CNTB và gây sức ép lên Việt Nam không cho thực hiện cuộc cách mạng giải phóng miền Nam mà thay vào đó là phong trào Thi Đua Hòa Bình với những đại biểu như: Hoàng Minh Chính, Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Đặng Kim Giang, Lê Trọng Nghĩa (Tôi sẽ đề cập cụ thể ở các phần sau).
Trên đây bài nghiên cứu đã chỉ ra những điểm cụ thể sau:
-         Đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa cơ hội – xét lại.
-         Sự cấu kết giữa các thành phần cơ hội – xét lại trong các Đảng Cộng sản với giai cấp tư sản và nhà nước TBCN.
-         Chủ nghĩa cơ hội – xét lại được hình thành xuất phát chủ yếu từ chủ nghĩa cá nhân của các Đảng viên mà đại diện tiêu biểu là Lassalle.
Những thành viên của chủ nghĩa cơ hội – xét lại: thực chất không hề có hệ tư tưởng của giai cấp vô sản mà trái lại là tính cách cá nhân tiểu tư sản nhỏ hẹp cùng với hệ tư tưởng tư sản. Họ hy vọng rằng thông qua các cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản họ sẽ giành được những vị trí quan trọng trong nhà TBCN và sau khi đã đạt được những vị trí quan trọng họ sẽ quay ra thỏa hiệp với giai cấp tư sản để phản bội lại giai cấp vô sản. Sự thỏa hiệp này được thể hiện rất rõ trong tác phẩm: Cách mạng và phản Cách mạng ở Đức, trong tác phẩm này, hồi đó Marx chưa dùng đến cụm từ chủ nghĩa cơ hội – xét lại, nhưng Marx đã nhận định rất rõ tính tiểu tư sản, tham quyền lực, sau khi cách mạng thành công thì tầng lớp tiểu tư sản sẽ quay ra: một mặt họ thỏa hiệp với giai cấp tư sản để phản bội lại cách mạng vô sản, mặt khác họ tranh công và đổ tội cho giai cấp vô sản để giành được những quyền lực chính trị nhất định. Đây chính là sự độc hại của chủ nghĩa cơ hội và xét lại trong các Đảng Cộng sản mà nó xuất phát chủ yếu từ tầng lớp tiểu tư sản với chủ nghĩa cá nhân cao xuất hiện ở trong hàng ngũ giai cấp vô sản.




[1] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1980, t. 25, tr. 118, 142
[2] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1980, t. 25, tr. 118, 142
[3] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 25, tr. 155
[4] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 20, tr. 78
[5] V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 10, 11
[6] V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 10, 11
[7] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 239
[8] Trích Các Marx và Engels toàn tập tập 30, trang 47 – 49.
[9] Trích Tiểu sử Karl Marx trang 181 – 184.
[10] Trích Phê phán cương lĩnh Ghotha.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét