Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

CHƯƠNG I: 1818 - 1843. Phần I


LỜI NHÀ XUẤT BẢN
      Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi đã mở ra cho cách mạng nước ta một giai đoạn mới với nhiều điều kiện thuận lợi đẻ có thể có những bước phát triển to lớn.
      Để góp sức thúc đẩy cách mạng tiến lên nhanh chóng, mỗi người cần nâng cao kiến thức về mọi mặt. Chính vì vậy mà Đảng và Chính phủ đã quy định học tập là một nghĩa vụ đối với mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân.
      Chúng ta cần học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin, học tập đường lối, quan điểm của Đảng ta và thực tiễn cách mạng phong phú của nước ta. Đó là điều chủ yếu. Nhưng bên cạnh đó, việc tham khảo lý luận và thực tiễn của nước ngoài, việc học tập có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới để mở rộng tầm hiểu biết cũng rất quan trọng.
      Để đáp ứng một phần yêu cầu học tập và nghiên cứu của bạn đọc. Nhà xuất bản Sự thật xuất bản một loại sách lấy tên là “Tài liệu tham khảo nước ngoài”.
      Tài liệu tham khảo nước ngoài lần này chúng tôi giới thiệu với bạn đọc là cuốn “CÁC MÁC TIỂU SỬ” do Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lê-nin trực thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng xã hội thống nhất Đức biên soạn. Nhà xuất bản Đi-xơ, Béc-lin, xuất bản năm 1967. Bản tiếng Việt được dịch từ bản tiếng Nga của Nhà xuất bản sách chính trị quốc gia, Mat-xcơ-va, xuất bản năm 1969.
      Đây là một cuốn tiểu sử thuộc loại phổ biến khoa học viết về Các Mác, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân quốc tế.
      Các tác giả đã giới thiệu với bạn đọc một cách có hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp của Mác, người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học. Qua cuốn sách, chúng ta thấy Mác chẳng những là một nhà lý luận sáng tạo và thiên tài mà còn là một lãnh tụ kiệt xuất của phong trào vô sản, vạch đường chỉ lối cho giai cấp công nhân, tổ chức và lãnh đạo giai cấp công nhân quốc tế thực hiện vai trò lịch sử của mình là “người đào mô chôn chủ nghĩa tư bản”.
      Để thuyết minh cho những vấn đề nêu trên, các tác giả đã nêu bật lại hoạt động lý luận và hoạt động thực tiễn của Mác, quá trình phát triển tư tưởng của Mác dần dần từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản, những cuộc đấu tranh của Mác đã chống lại đủ mọi loại trào lưu không vô sản và phản động trong phong trào công nhân. Và Mác đã phải tiến hành những hoạt động này trong những điều kiện hết sức khó khăn: vô cùng thiếu thốn về vật chất, phải sống trong cảnh lưu vong, thường xuyên bị đe dọa phải trục xuất và truy tố v.v…
      Người đọc cũng dễ dàng nhận thấy qua cuốn sách rằng sự nghiệp của Mác gắn liền chặt ché với Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen và Gien-ni Mác. Như các tác giả đã nêu bật, Ăng-ghen là người đã cùng Mác nhìn thấy vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, là người có thể bô sung cho Mác và tiếp tục công việc của Mác trong bất cứ trường hợp nào, là cây vĩ cầm thứ hai sau Mác. Ăng-ghen đã trở thành người bạn và người đồng chí thân thiết của Mác. Trong sự nghiệp của Mác không thể thiếu Ăng-ghen và ngược lại. Có thể nói sự nghiệp của hai người là một.
      Còn Gien-ni, vợ Mác, không chỉ là người mẹ hiền của các con, mà còn là người đồng chí chung thủy với sự nghiệp của giai cấp công nhân, chung thủy với sự nghiệp của chồng, luôn luôn có mặt bên cạnh Mác trong những lúc khó khăn, gian khổ nhất, và là người thư ký của Mác không thể ai thay thế được.
      Xuất bản cuốn sách này chúng tôi không nhằm mục đích nào khác là giới thiệu một cách khái quát cuộc đời và sự nghiệp của Mác, giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về Mác, qua đó học tập ở Mác tinh thần cách mạng kiên quyết và triệt để trong hoạt động cách mạng, kết hợp với tính khoa học nghiêm túc và sâu sắc trong công tác nghiên cứu và sáng tạo lý luận. Quyển sahs này cũng cung cấp những kiến thức bước đầu giúp các bạn có thể trực tiếp nghiên cứu các tác phẩm của Các Mác và Phơ-ri-đơ-rich Ăng-ghen được thuận lợi hơn.
      Mong rằng cuốn sách sẽ đáp ứng phần nào yêu cầu của các bạn.

                                                                        Tháng Tám 1975
NHÀ XUẤT BẢN SỰ THẬT
     
QUÊ HƯƠNG VÀ NHÀ TRƯỜNG
 Các Mác sinh ngày mồng 5 tháng 5 năm 1818 ở Tơ-ria trên sống Mô-den. Bấy giờ thành phố thân yêu của Mác gồm 12.000 dân. Trung tâm hành chính khu vực Mô-den hầu như không cố công nghiệp, Tơ-ria chủ yếu là một thành phố của bọn quan lại, lái buôn và thợ thủ công. Thành phố này do những người La-mã xây dựng, và suốt mấy thế kỷ nó đã trở thành đại bản doanh của tổng giám mục, người đồng thời là tuyển hầu. Vào cuối thế kỷ XVIII, sau khi về thăm Tơ-ria, Gơ-tơ đã miêu tả thành phố là có vẻ nặng nề do các bức tường thành bao quanh, thậm chí như bị rất nhiều nhà thờ, tu viện đè bẹp, lại còn một loạt nhà tế bần, tu viện công giáo, tu viện học phái Đê-các-tơ bao vây ở vòng ngoài. Nhưng cuộc cách mạng tư sản Pháp đã để lại dấu vết ở thành phố Tơ-ria. Và dấu vết đó sâu sắc đến nỗi ngay cả nước Phổ phản động cũng không thể xóa nổi bởi vì, theo quyết định của đại hội Viên năm 1815, vùng sông Ranh, và do đó cả Tơ-ria, đã sáp nhập vào Phổ.
      Quân đội cách mạng Pháp tước đoạt của cải của cả bọn chủ phong kiến, bọn quý tộc và nhà ở ở vùng sông Ranh vào những năm 90 của thế kỷ XVIII. Quân đội cách mạng Pháp thủ tiêu chế độ nông nô, xóa bỏ địa tô và tuyên bố mọi người bình đẳng trước pháp luật – thật ra, chỉ cho đàn ông mà thôi. Thay cho chế độ bắt buộc ghi tên vào một xưởng nhất định, bây giờ mọi người được tự do hành nghề. Về mặt luật pháp, thậm chí còn có cả tự do học tập và tự do báo chí. Cùng với pháp quyền tư sản, bộ luật công dân nhập từ Pháp sang, còn tổ chức cả tòa án, có đoàn hội thẩm và chế độ xử án công khai.
Các quan hệ tư sản mới đã khiến cho công nghiệp và thương nghiệp phát triển mạnh mẽ. Vì thế, những nhà máy đầu tiên của Đức đã ra đời ở chính vùng sông Ranh, và cùng với những nhà máy ấy, hai giai cấp mới – giai cấp tư sản công nghiệp và giai cấp vô sản công nghiệp hiện đại – cũng ra đời.
Song, những thành tựu của giai cấp tư sản ở vùng sông Ranh quả là cái cách cho bọn đại địa chủ quý tộc Phổ, thậm chí cho cả nhà vua và chính phủ Béc-lin, là những kẻ phải phục tùng giai cấp quý tộc này. Chúng có cơ sở để lo ngại rằng những quyền tự do tư sản của những người dân tỉnh Ranh có thể nêu gương cho các phần đất khác ở Phổ. Và như thế, sự thống trị giai cấp của bộn đại đị chủ quý tộc Phổ có thể bị đe dọa, đồng thời cái uy thế đối với Áo mà Phổ đã chiếm được trong Liên bang Đức – một liên bang không vững chắc hành lập năm 1815 gồm 34 vương hầu, vương quốc và 4 thành phố tự do – sẽ bị giảm sút.
      Dầu sao vua Phổ vẫn bất lực trước những quan hệ kinh tế - xã hội do chủ nghĩa tư bản tạo nên ở tỉnh Ranh. Đối với các tỉnh mới ở miền Tây này, vua Phổ lúc đầu phải buộc lòng tiến hành một chính sách tự do giả tạo trong khi vẫn kiên quyết củng cố sự thống trị của chế độ roi vọt quân phiệt, chế độ kiểm duyệt và tinh thần trung quân. Chính quyền Béc-lin cử những viên chức có học vấn và có kinh nghiệm nhất về cơ quan hành chính và tư pháp của tỉnh Ranh. Có lẽ nhân dịp đó mà Lút-vich phon Vét-pha-len, bố vợ tương lai củu Các Mác, người đã coi Mác như con đẻ, đã được cử vè Tơ-ria năm 1816, với tư cách là cố vấn của chính phủ hoàng gia Phổ.
      Chính quyền Béc-lin hy vọng chiếm được cảm tình của giai cấp tư sản ở hai bờ sông Ranh và Mô-den bằng chính sách tự do giả tạo. Nhưng chẳng bao lâu chính quyền đó lại giở đến chính sách Phổ hóa cực kỳ phản động, nổi tiếng một cách đáng buồn, và đối xử với những người dân tỉnh Ranh như đối với dân cư ở vùng bị chiếm đóng.
      Các Mác đã ra đời vào thời kỳ phản động đen tối đó. Song Mác lại sinh trưởng ở một tỉnh của nước Phổ phát triển hơn cả về mặt kinh tế, trong một gia đình có tinh thần khai sáng tư sản và lòng nhân đạo. Bố đẻ của Các Mác, ông Hen-rich Mác, hồi trẻ phải sống trong cảnh thiếu thống cùng cực, nhưng sau cũng nên người và trở thành trạng sư. Ông bỏ đạo Do Thái và chuyển sang đạo Tin lành. Ông là cố vấn tư pháp, là trưởng đoạn trạng sư của Tơ-ria và được mọi người kính nể. vốn là một người học rộng, yêu thích triết học và văn học cổ điển, ông đặc biệt khâm phục Lét-xing-gơ và các nhà khai sáng Pháp Vôn-te và Rút-xô – những bậc tiền bối về mặt tinh thần của chủ nghĩa nhân đạo tư sản. Những quan điểm triết học tiến bộ của ông kết hợp với nhãn quan tự do ôn hòa trong lĩnh vực chính trị. Thí dụ, ông mong muốn cho nước Phổ có hiến pháp tự do và chế độ đại biểu nghị viện, đồng thời ông đặt hy vọng vào vua Phổ. Rõ ràng là ông Hen-rích Mác xa lạ với những tư tưởng chính trị cách mạng. Mặc dầu vậy, chính phủ Phổ vẫn coi ông là “phần tử đáng ngờ” tại Tơ-ria vào tháng giêng 1834, ông tỏ ý tôn trọng lá cờ của nước Pháp và hát bài “Mác-xây-e”.
      Gia đình Mác không biết cảnh nghèo đói. Ông Hen-rich Mác đã bảo đảm cho các con và người vợ yêu quý là bà Hen-ri-ét-ta, một cuộc sống khá sung túc. Điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng, bởi vì trong khoảng từ 1815 đến 1826, bà Hen-ri-ét-ta Mác đã cho chào đời đến bốn người con trai và năm người con gái. Mác là người con thứ ba trong gia đình. Người con thứ hai là chị gái Xô-phi, hơn Mác hai tuổi. Người con đầu là Mô-rít Đa-vít, mất năm 1819.
      Thế là Mác trở thành người con trai lớn trong gia đình. Bố mẹ, và nhất là bố, rất yêu quý Mác. Mặc dù số người trong gia đình tăng lên rất nhanh, Mác vẫn là đứa con được yêu thương, chiều chuộng, tuy bố mẹ vẫn chăm sóc trìu mến tất cả tám người con. Mẹ Mác thường gọi Mác là đứa trẻ có số phận nuông chiều, cái gì cũng được toại nguyện. Khi bàn về những tài năng phong phú mà thiên nhiên ưu đãi con trai, bố thường tỏ ý mong muốn Mác sẽ đi theo con đường của ông và trở thành một con người mà hồi trẻ ông hằng mơ ước – một luật sư và nhà luật học lớn, một người bảo vệ nổi tiếng cho trí tuệ và lòng nhân đạo.
      Vào đầu năm 1820, gia đình Mác chuyển từ ngôi nhà số 664 đường Bơ-ru-ken (bây giờ là số 10 phố Bơ-ru-ken), nơi Mác đã ra đời, sang nhà 1070 phố Xi-me-ôn (bây giờ là số 8 phố Xi-mê-ôn).
Mác đã trải qua một thời thơ ấu sung sướng và vơ tư với các anh chị em của mình. Mác đã chơi đùa với họ rất vui vẻ trong các khu vườn, hoặc chơi trò đua ngựa, và họ đã phải làm ngựa cho Mác phi nước đại từ trên đồi Mac-cút-xbéc ở gần đó xuống. Và mặc dầu Mác hay trêu chọc các chị em gái và các cô thường phải chịu hậu quả những trò nghịch ngợm của Mác, Mác vẫn biết làm lành để các cô nguôi giận bằng cách kể cho các cô và bè bạn các cô nghe những câu chuyện ly kỳ.
      Năm 1830. Ông Hen-rich Mác gửi người con trai 12 tuổi của mình vào trường trung học Tơ-ria, trường Phơ-ri-đơ-rich vin-hen. Đó là năm ở Pháp xẩy ra cuộc cách mạng tháng Bả. Đối với Mác, năm đó bắt đầu một giai đoạn mới của cuộc đời.
      Từ năm 1815 trở đi, trường trung học Tơ-ria học theo chương trình của của Bộ văn hóa Phổ, song chính phủ Béc-lin không thể nào uốn nó theo tinh thần của giai cấp đại địa chủ quý tốc Phổ được. Như vậy trước hết là nhờ ông hiệu trưởng Vít-len-bắc có tinh thần tự do, biết bảo vệ tinh thần khai sáng và nhân đạo trong nhà trường. Việc giảng dậy ở đây tiến hành ở mức độ cao, nhiều thầy giáo là những nhà bác học nổi tiếng.
      Học sinh trường này là con cái các gia đình tư sản và quan lại, nhưng cũng có không ít con em nông dân và thợ thủ công muốn học để trở tành thầy tu hoặc viên chức Nhà nước. Các bạn cùng học vừa yêu lại vừa sợ Mác. Sau này con gái của Mác là Ê-lê-ô-nô-ra kể lại là theo lời bố mẹ, các bạn yêu cậu học sinh Mác vì cậu tham gia vào các trò nghịch ngợm ở nhà trường, nhưng lại sợ cậu vì lời lẽ sắc sảo và những bài thơ châm biếm của cậu chế nhạo một số người trong bọn họ. Nhưng, thân hơn cả đối với Mác là cậu bé Ết-ga phôn Vét-pha-len nhỏ tuổi hơn. Ết-ga cùng học một thời với Mác ở trường trung học và giữ được tình bạn với Mác cho đến khi chết.
      Tình bạn hồi trẻ với Ết-ga phôn Vét-pha-len không phải là tình cờ. Cả hai gia đình quan cố vấn chính phủ Lút-vich phôn Vét-pha-len và quan cố vấn tư pháp Hen-rich Mác đã quan nhau từ lâu. Khác với những người có cùng địa vị xã hội và cùng giới quan lại. Lút-vich phôn Vét-pha-len là một người có học vấn uyên bác và có tinh thần tự do. Tổ tiên ông về bên nội là những người tư sản, nhưng ông cụ thân sinh của ông lại được nhận hàm quý tộc vì có những chiến công xuất sắc. Ông cụ đồng ý nhận điều đó, mặc dầu vẫn tự hào về nguồn gốc của mình, mục đích chỉ để có thể kết hôn với người con gái mà mình yêu mến thuộc dòng dõi quý tốc Tô-cách-lan.
      Ngôi nhà của gia đình Vét-pha-len ở phố Rê-méc (bây giờ là phố Pa-u-lin) chỉ cách nhà Mác có mấy phtus đi bộ. Trẻ của hai gia đình thân nhau từ tuổi ấu thơ. Chị gái của Mác, Xô-phi, là bạn thân của Gien-ni phôn Vét-pha-len; Gien-ni hơn Xô-phi hai tuổi. Giữa Mác và Gien-ni cũng có một mối thiện cảm sâu sắc. Bọn trẻ thường chơi với nhau rất vui.
      Song, cậu học sinh trung học Mác không phải chỉ chơi thân với Ét-ga và Gien-ni, mà con cảm thấy ông bố của họ cũng đáng mến không kém. Ông Lút-vich phôn Vét-pha-len yêu cậu bé sớm khôn ngoan, và Mác coi ông là người cha thứ hai của mình. Vị cố vấn chính phủ này đánh gia cao tác phẩm “I-li-át”, “Ô-đi-xê” của nhà thơ cổ Hy Lạp Hô-me, đọc thuộc lòng nhiều đoạn trích dài trong những vở kịch của Sếch-xpia bằng cả tiếng Anh và tiếng Đức, và ông đặc biệt say mê chủ nghĩa lãng mạn. Ông biết truyền cho các con lòng say mê đó của mình đối với nền văn học nhân đạo. Và nếu Mác, vốn ham hiểu biết, đã cố khai thác ở người bạn lớn tuổi những nỗi niềm xúc động, kích thích nào đó mà cậu không thể tìm thấy cả ở trường, chừng mực nào đó cả ở nhà bố mẹ để, thì điều đó cũng không có gì lạ. Nhưng ông bố của Gien-ni đã mở ra cho Mác những chân trời mới, không phải chỉ trong lĩnh vực văn học. Vị cố vấn chính phủ còn quan tâm cả đến những vấn đề xã hội, và cậu bé – hàng ngày trên đường đến trường phải đi qua chợ đầy rẫy những nông dân nghèo từ các làng lân cận tới, và trong những khi dạo chơi đã trông tấy cảnh khốn cùng ngự trị ở các khu phố người nghèo – đã chú ý lắng nghe những lời của ông Lút-vích phôn Vét-pha-len than phiền về cuộc đời nghèo cực của nhiều người dân thành Tơ-ria. Mười năm sau, Mác nhớ lại lần đầu tiên mình được nghe nói về tư tưởng của nhà xã hội học không tưởng Pháp Xanh xi-mông ở nhà ông Vét-pha-len.
      Song, những câu chuyện trao đổi với bố về thế giới quan nhân đạo của Vôn-te, Lét-xinh-gơ hoặc Gơ-tơ rất có lý thú, những buổi cùng ông Lut-vích phôn Vét-pha-len đàm thoại, chơi vơi trong thế giới lãng mạn có hấp dẫn mấy đi nữa, thì cái chính dối với chàng thanh niên Mác vẫn là trường học. Phải bộ lộ bản lĩnh của mình ở đâu. Cậu học sinh Các Mác có nhiều năng lực và cậu đã học xong chương trình trung học, chủ yếu với những điểm tốt, không khó khăn gì. Vào tháng chín 1835, năm 17 tuổi, Mác thi tốt nghiệp trường trung học. Hồi đồng giám khảo hoàng gia ghi trong giấy chứng nhận tốt nghiệp là Mác “có nhiều năng lực, rất chuyên cần về những môn tiếng cổ đại, tiếng Đưc và lịch sử, chăm chỉ về môn toán, riêng tiếng Pháp thì chưa chăm lắm”. Và khi phát bằng tốt nghiệp cho Mác, Hội đồng giám khảo “hy vọng rằng, do có khả năng, trò Mác sẽ thực hiện được những điều mọi người mong muốn ở trò”[1].
      Bài luận tiếng Đức của Mác nổi bật trong số các bài thi tốt nghiệp. Đầu đề bài luận là: “Những ý nghĩ của một thanh niên khi chọn nghề”. Anh thanh niên Mác phê phán việc chọn nghề trên cơ sở quyền lợi ích kỷ hoặc thuần túy vật chất. Mác viết: “Lịch sử thừa nhận vĩ nhân là những người làm việc cho mục đích chung, và do đó bản thân họ cũng trở nên cao thượng hơn; kinh nghiệm cho thấy rằng, người nào đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì người đó là hạnh phúc nhất”[2]. Người thanh niên 17 tuổi ấy thấy chí hướng cuộc đời là phục vụ nhân loại và làm cho thực tiễn trở nên nhân đạo.
      Đó cũng là những ý nghĩa mà thầy giáo Vít-ten-bắc thường trình bày và trao đổi với các học trò của mình. Nhưng anh thanh niên Mác còn thừa nhận là việc chọn nghề không chỉ phụ thuộc vào ý muốn cá nhân: … “chúng ta không phải bao giờ cũng có thể chọn một nghề mà chúng ta mong muốn; các quan hệ của chúng ta trong xã hội đến một chừng mực nào đó đã bắt đầu được xác định ngay từ trước khi chúng ta có thể có tác dụng quyết định đối với các quan hệ đó.”. Ý nghĩa này đáng chú ý, nó chứng tỏ rằng anh thanh niên Mác đã bắt đầu nhận thức được ý nghia các quan hệ xã hội trong đời sống con người. Và Mác kết thúc bài luận của mình bằng những lời sau đây: “Nếu ta đã chọn một nghề mà qua đó ta có thể cống hiến nhiều nhất cho nhân loại, thì ta sẽ không cảm thấy gánh nặng của nghề ấy, bởi vì đó chính là sự hy sinh vì mọi người; khi đó niềm vui được hưởng không chỉ là một niềm vui ích kỷ, hẹp hỏi và nhỏ nhen, mà hạnh phúc của ta sẽ thuộc về hàng triệu người. Sự nghiệp của ta sẽ tồn tại, chẳng ầm ĩ, nhưng mãi mãi là cuộc sống có ích, và trên di hài của ta sẽ có những con người cao quý nhỏ những giọt nước mắt hóng hổi…”.[3]




[1] C. Mác và F. Ăng-ghen: Toàn tập, tiếng Nga, t.1, tr. 429-430.
[2] C. Mác và F. Ăng-ghen: Những tác phẩm đầu tay, tiếng Nga, Mat-x cơ-va, 1956, tr. 5
[3] C. Mác và F. Ăng-ghen: Những tác phẩm đầu tay, tiếng Nga, Mat-x cơ-va, 1956, tr. 5

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét